Saturday, 20/04/2024 - 17:39|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Hải Phong

TRƯỜNG THPT A HẢI HẬU HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19/5/1890 – 19/5/2020)

Vào những ngày tháng năm lịch sử, cùng với nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, với lòng biết ơn vô hạn chúng ta tưởng nhớ 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới, Người đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho dân tộc vì độc lập tự do, hạnh phúc của nhân dân. Được sống trong nền hòa bình hôm nay, chúng ta càng biết ơn công lao của Bác, các anh hùng liệt sỹ và càng muốn làm những điều thật ý nghĩa để kính dâng Người.

Tưởng nhớ đến Người chúng ta không thể không trân trọng những phẩm chất cao quý và công lao trời biển của Bác đối với dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân, Người là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Vậy những yếu tố nào đã làm nên con người của Bác?

Trước hết có thể nói đến quê hương yêu dấu và truyền thống gia đình của Bác. Quê nội Người ở làng Kim Liên, còn quê ngoại ở làng Hoàng Trù, nay thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An mảnh đất này nằm ở hạ lưu Sông Lam của xứ Nghệ, nơi hội tụ của các trung tâm văn hoá vùng Bắc Trung Bộ; nơi phát tích nhiều nền văn hoá cổ, một vùng văn hoá - dân tộc học đặc sắc. Vùng quê ấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách nhưng vẫn giữ được sự gan góc, kiên trung và tình cảm dạt dào. Bác Hồ sinh ra trong một gia đình có truyền thống nho học. Thân phụ là cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân mẫu là cụ Hoàng Thị Loan. Cả cha và mẹ Người đã truyền cho con tình yêu tha thiết với văn học và văn hóa dân tộc. Truyền thống vẻ vang của quê hương và gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến tuổi ấu thơ của Bác, đến việc hình thành nhân cách, tư tưởng, đạo đức của Bác.

Sau này, trên con đường bôn ba tìm đường cứu nước, Bác lại có cơ hội tiếp xúc với nhiều nền văn hóa cùng những tư tưởng tiến bộ của thế giới. Điều đó đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển truyền thống văn hoá, yêu nước và cách mạng của dân tộc, của quê hương lên tầm cao mới. Tầm văn hóa của Người được thể hiện trong lối sống, trong hoạt động cách mạng, và cả trong thơ ca. Qua đó, chúng ta nhận ra một con người đặc biệt, như năm 1923, nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenstan đã viết về Nguyễn Ái Quốc - tên Người lúc đó, trên tạp chí Ogoniok, số 39: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”.

Năm 15 tuổi, Nguyễn Sinh Cung cùng cha, mẹ và anh Khiêm vào Huế; năm 1910, trong tên gọi Nguyễn Tất Thành, trên con đường mở mang tầm nhìn, khao khát con đường cứu nước, Bác của chúng ta dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh, thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, ngôi trường do các sĩ phu yêu nước ở đây lập ra nhằm hưởng ứng phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng. Ngày 5/6/1911, tại bến cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu biển sang phương Tây, như sau này Người kể lại “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Từ Làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An, Hồ Chí Minh đã hòa mình cùng cuộc đấu tranh vĩ đại của nhân dân, dân tộc mình; vươn ra biển lớn để từ một người yêu nước chân chính thành người cộng sản chân chính, một nhà văn hóa lớn của phương Đông và phương Tây. Từ thế giới, Người lại trở về với nhân dân mình, dân tộc mình, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lập nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; tạo những tiền đề quan trọng cho trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, cho Đại thắng mùa xuân 1975 hội tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, con đường Hồ Chí Minh.

Trong thời gian vừa qua, cùng với đồng bào cả nước, thầy và trò trường THPT A Hải Hậu đã tổ chức  nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Công tác tuyên truyền hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh:

  Nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cho đoàn viên thanh niên qua hệ thống phát thanh của Đoàn trường, nhất là trong dịp Kỷ niệm Ngày sinh của Bác. Từ đó giúp cho các em hiểu hơn cuộc đời của Người, cảm phục trước nghị lực của Người khi vượt qua những khó khăn trên hành trình tìm đường cứu nước, kính trọng và luôn ghi nhớ công lao to lớn mà Người đã đem đến cho đất nước mình, đồng bào mình.

 

 

Em Trần Tuấn Vũ – Học sinh lớp 12A8  trong buổi đọc bài tuyên truyền kỷ niệm 130 năm  ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh  trên hệ thống phát thanh Đoàn trường

 Hàng năm, nhà trường  tổ chức cuộc thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh:

Năm học 2019 – 2020 là năm học thứ 7, nhà trường chỉ đạo Đoàn trường tiếp tục tổ chức cuộc thi Kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các Chi đoàn học sinh. Chi đoàn các lớp tham gia cuộc thi đã trình bày phần thi của mình bằng những câu chuyện vô cùng ý nghĩa và xúc động về công lao, cuộc đời, sự nghiệp… của Bác.

Cuộc thi này càng về sau càng tạo ra được sự hứng thú cho các em học sinh khi kết hợp các câu chuyện kể với hình thức Sân khấu hóa. Học sinh không chỉ được nghe kể mà còn được tham gia đóng vai các nhân vật trong câu chuyện, cùng sống với những sự kiện, những diễn biến trong các câu chuyện đầy ý nghĩa về Bác.

Qua mỗi câu chuyện, các thí sinh tham dự cuộc thi đã bày tỏ tình cảm, lòng kính trọng của mình đối với Bác, đồng thời gửi gắm vào đó những bài học tiếp thu được từ những câu chuyện về Bác góp phần bồi dưỡng bản thân hoàn thiện hơn.

Tiết mục Sân khấu hóa Kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh  của tập học sinh lớp 12A12 Năm học 2019-2020

 

 Nhà trường tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” với chủ đề ca ngợi về Đảng, về Bác kính yêu

Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” của các chi đoàn được tổ chức vào các tiết sinh hoạt đầu tuần và các ngày Lễ kỷ niệm trong năm. Trong cuộc thi này, học sinh chuẩn bị chu đáo nhiều tiết mục với các hình thức như hát múa, sáng tác ca khúc, kể chuyện, biểu diễn nhạc cụ, vẽ tranh... với chủ đề về  Đảng, về Bác Hồ kính yêu. Cuộc thi đã tìm kiếm được nhiều tài năng với các tiết mục đặc sắc ca ngợi về Đảng, về Hồ Chí Minh. Điều đó càng khẳng định niềm kính yêu vô hạn của thế hệ trẻ đối với Bác kính yêu.       

Tác phẩm Vẽ tranh về Bác của em Vũ Đức Luật – Học sinh lớp 12A9  đạt  Giải Nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng” 

          Đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đoàn viên, thanh niên

  Nhà trường chỉ đạo Chi đoàn giáo viên, nhân viên tổ chức cho các đồng chí là đoàn viên trong chi đoàn đăng ký các nội dung về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đặc biệt chú trọng những hành động và việc làm cụ thể. Đưa nội dung đăng ký, đánh giá việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào nội dung sinh hoạt thường xuyên của Chi đoàn. Từ đó phát hiện, tuyên dương, phát huy các điển hình đoàn viên thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác. Hoạt động này đã tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, hành động và tình cảm của đoàn viên, thanh niên nhà trường. Đồng thời cũng được đoàn cấp trên ghi nhận và đánh giá cao.

Bác đã về với “Các Mác và Lê nin” xin được bày tỏ lòng thành kính thiêng liêng và niềm biết ơn vô hạn trước nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh. Xin nguyện tiếp tục con đường Người đã chọn, học tập và cống hiến, để làm cho đất nước ta ngày một đẹp giàu hơn, nhân dân ta hạnh phúc hơn như lòng Bác hằng mong muốn.

THPT A Hải Hậu, Nam Định

 

 

Lượt xem: 57.450
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7
Hôm qua : 11
Tháng 04 : 79
Năm 2024 : 432